Lược Sử Từ Đường




Tộc sử Họ Trần Công 
và việc di cấu Từ Đường 
từ Tiên Nộn lên Dương Xuân


                  Bên kia rặng thông xanh,
                 Núi Chữ mấy gò, công đức cù lao còn mãi đó.

                 Vượt trên giòng sóng biếc
                 Cồn Tiên một cõi, huân danh sự nghiệp vốn từ đây.

Lễ LẠC THÀNH Từ Đường năm 1944
(Di cấu từ Tiên Nộn lên Dương Xuân)
Gia-phổ của một nhà, Tộc-phổ của một họ, cũng như Quốc-sử của một nước. Một nước cần phải có sử, biên chép những việc hay, việc dở của một nước, một nhà cũng có gia-phổ, biên chép việc phải, việc trái của một nhà. Lớn nhỏ quan hệ tuy khác nhau, nhưng mục đích thời là một: để làm gương, giáo huấn đời sau. Sở dĩ làm sao mà thịnh vượng mà phồn vinh, lại sở dĩ làm sao mà suy vi, mà truỵ lạc, đó là những câu hỏi của những vị Minh-Quân, Lương-Tể, các bậc Chí-Sĩ, Năng-Thần, cần suy xét việc ký tải trong sử-sách, mà tự trả lời, để làm việc nước. Một kẻ tu-nhân, mỗi người một hướng dẫn, há lại không muốn biết công phu của Ông-Cha, sự nghiệp của Tổ-Tiên, để lo việc nhà sao?
 Vả lại gia-tộc là nền tảng của xã-hội, của quốc-gia, gia-tộc truỵ lạc, thời quốc-gia phải suy-vi, rời rạc, Gia-Tộc lại là cội rễ, là mày mặt của cá nhơn, một gia-tộc thịnh vượng thì mỗi phần tử của gia-tộc ấy, tức là tử tôn miêu duệ, đều được nương lấy cội rễ, vững vàng, mà được mở mang mày mặt.
 Xem thế thời việc chép sử của một gia-tộc thật là một việc cần. Cụ Tằng-Tổ chúng ta là Cụ Độn Chuối đã nhận thấy sự cần thiết ấy, nên Cụ đã sưu tập sử tích các tiền đại, rồi trong năm Tự-Đức thứ 22, năm Kỷ-Tị 1869, lược biên thành tập gia-phổ. Họ Trần ta nhờ thế mà có Gia-phổ, sử ký từ ấy trở đi. Con trưởng Cụ là Cụ Độn Chè Trần-Bình làm Thượng-Thơ triều Tự-Đức chép tinh lại rồi làm bài tựa.
 Nay trước giả viết tập lược biên này, trước hết là tóm lược sự tích họ nhà ta từ đời Cụ Sơ-Tổ cho đến khi có nhà thờ, đoạn này chỉ biên chép những điều khái yếu, để xem cho có mạch lạc dễ hiểu mà thôi.
 Đoạn sau từ khi có nhà thờ ở Vạn-Xuân, rồi lại không có, rồi sau lại có ở Tiên-Nộn, cho đến khi dời lên Dương-Xuân, công việc chi tiết hơi nhiều nên chi cần phải biên chép cho rõ, để đời sau biết đúng sự thật, lãnh hội tất cả duyên do, tự phán chỗ công, chỗ quá, ấy là ý nguyện của trước giả vậy.
Các áng Thờ bên trong Từ Đường năm 1944
 Họ ta nguyên ở Bắc-Kỳ, làng Tiên-Du, huyện Tiên-Du, tỉnh Bắc-Ninh. Sơ-Tổ, tức là đời thứ nhất, Cụ Công-Quý, các đời trước xa nữa không thể nhớ được, theo Đức Thái-Tổ Gia-Dũ Hoàng-Đế vào Phú-Xuân, rồi lập nghiệp, nhập tịch làng Tiên-Nộn. Lúc bấy giờ vào năm Mậu-Ngọ (1558). (1)
 Ít lâu Cụ phải tùng quân chinh thú trong Bình-Định, Phú-Yên, sau Cụ trăm tuổi, Mộ Cụ và Cụ Bà nguyên-phối (cùng đi theo) đều mất tích, không ai biết ở đâu cả.
 May có con thứ ba của Cụ là Cụ Công-Thiều còn ở tại làng, giòng Hữu-vi còn nối lại đến ta bây giờ đều do từ Cụ. Mộ Cụ nay còn để tại Cồn mộ-địa làng, người trong làng thường gọi mộ ấy là Mộ Khai-Canh của họ Trần, nhưng sự thật chỉ là Nhị Đại-Tổ của ta mà thôi.
 Cụ mất ngày 18 tháng 8 nên từ khi các Cụ cận-đại đặt hai lễ xuân thu đã lựa ngày 18-8 làm ngày Thu-Tế là có ý để kỷ niệm ngày huý nhật của Cụ luôn. Còn ngày Xuân-Tế thì trước định vào ngày trung tuần tháng hai, nhưng qua năm 1905, tức là năm Cụ Thúc-Dự cúng nhà thờ ở Tiên-Nộn thời các Cụ lại cải qua ngày 27 tháng 2 là ngày kỵ Cụ Độn Chuối Công-Kính, cũng là một ý như trên, để cho con cháu lo lễ cho được lưỡng tiện.
 Con trai trưởng Cụ Công-Thiều là Công-Dĩnh. Lúc nhỏ học giỏi, hạnh kiểm tốt, thường đi dạy ngoài Quảng-Trị. Bà nguyên-phối là con chủ nhà Cụ ngồi dạy. Sau Cụ vào làm quan trong Thành Gia-Định, đến chức Thương-Trường Cai-Tải, khi mất quá 60, gia tư sung túc, nên linh cữu được đưa về kinh, có rước thầy địa-lý Trung-Hoa Diệp-Sùng cùng về theo xem đất, chôn tại làng Châu-Chữ, xứ Độn Trúc, sau vườn Thủ-Bộ Nguyễn-Sâm, mộ Cụ Bà , thường kêu theo Cố Độn-Chuối là Bà Tằng, cũng táng tại Châu-Chữ trong vườn Nguyễn Thị Điền. Cụ sinh được năm ông con trai, con trưởng là Cụ Công-Trực (tứ-đại-tổ) sanh trưởng ở làng, làm ăn khó nhọc, khi thọ chung con còn nhỏ dại, không có gia tư, mộ cất tại Mộ-địa làng.
 Em thứ năm Cụ Công-Trực là Cụ Công-Hạc mất sớm, còn ba ông em nữa là Công-Bạt, Công Chánh và Công-Hưng, trước theo thân sinh làm quan ở Nam, nên lưu ngụ tại tỉnh Định-Tường, phủ Định-Viễn, huyện Tân-An, tổng Tân-Minh, làng An-Hoà. Nhân vì trong năm Giáp-Ngọ, Bính-Thân (1774-1776), nhằm lúc binh cách loạn ly, nam bắc giao thông đoạn tuyệt, ba ông đều lập nghiệp luôn ở trong Nam. Đến năm Giáp-Tý 1804, triều Gia-Long, con ông Công-Chánh là Công-Trung và cháu là Công-Trứ ra Kinh, thuật chuyện nhà tỏ rõ mới hay ở Định-Tường họ ta còn có ba phòng nữa.
 Cụ Công-Trực có ba trai: trưởng và thứ ba đều mất sớm.
 Con thứ hai là Cụ Công-Thiện, sinh năm 1753, (Cụ Độn Gia, Ngũ-đại-tổ) sức vóc mạnh mẽ, lúc 37 tuổi bị Nhà Tây-Sơn bắt đi lính thú Bắc-Kỳ khi Cụ Tằng-tổ ta (Cụ Công-Kính) mới sinh được bảy hôm. Bảy năm sau Cụ mới được về, từ đó làm ăn lần hồi được hơi dư đủ. Đến năm Bính-dần (1806) làm nhà trên Vạn-Xuân rồi dời lên ở đó. Cụ ít học nhưng biết lấy lễ nghĩa dạy con. Cụ Công-Kính nhờ cái gia-giáo ấy mà dựng nên được một cơ nghiệp vẻ vang cho nhà ta về sau này vậy. Cụ Công-Thiện chỉ sanh có hai trai: trưởng là Công-Tại mất khi lên bảy, nên chỉ còn một mình Cụ Độn Chuối mà thôi.
 Cụ Độn-Chuối Công-Kính sinh năm 1790, thuở nhỏ chăm học, ưa nghiên cứu các khoa lý-học, số-học, y-lý, địa-lý. Cụ ra Quảng-Bình học nghề thuốc cùng ông Lương Bá-Ức ở làng Lệ-Sơn, lại kiêm học địa-lý cùng ông Trần-Huy-Thuần, mỗi lần đi học trọn năm mới về thăm nhà một chuyến. Lúc hai mươi tuổi bổ vào viện Thái-Y. Tánh Cụ rất ham sách vở, nào kinh sử tự tập, thi phú từ chương, tìm được là mua không kể mắt rẻ.
 Lúc bấy giờ có ông Nguyễn-Đức-Liêm ở làng Cự-Nẩm và ông Bạch-Đoạn-Cường ờ làng Phù-Việt, đều có tiếng tinh nghề châm cứu, Cụ tìm đến học được tất cả bí truyền, nên hai môn y-lý và điạ-lý Cụ có tiếng rất giỏi. Nhưng tánh tình ưa thích nhàn, không lấy việc phú quý làm vinh, tuổi mới 49 mà đã cáo lão về nhà, thường dẫn các ông con dạo xem sơn thuỷ, dò khe, chỉ núi, vui thích quên về. Cụ xét thấy mộ địa ở làng ẩm thấp, hẹp hòi, nên cố ý tìm kiếm cho được danh sơn, thắng địa, để đặt mộ hai Cụ thân sinh. Ngót bốn chục năm trời Cụ chọn được xứ Độn-Gia để làm sinh phần hai Cụ, và chọn Xứ Độn-Chuối làm sinh phần cho mình, cùng xứ Độn Chè và xứ Hạ-Thuỷ-Long nữa. Xứ Hạ-Thuỷ-Long này để ngôi mộ Bà dâu thứ hai là Bà Hiển-Tổ Phòng Nghĩa, cuộc đất này Cụ cho là tốt đẹp lắm. Cụ lại làm nhà thờ ở Vạn-Xuân, đặt tự-điền tại Tiên-Nộn, mua lạp điền giao làng Châu-Chữ lo lễ Thanh-Minh. Công đức Cụ hết sức to lớn.
 Lý-học huyền bí ta không thể nói được, Địa-lý lại còn khó biện chứng cho rõ ràng, nhưng từ khi Cụ Tằng-Tổ ta sắp đặt các ngôi mộ trên trở đi, thời con cháu mỗi ngày một thêm phồn thịnh, ấy có phải là nhờ long mạch kết phát chăng, hay là do vận hội tự nhiên, do cơ duyên tấn xảo, mà được như vậy ? Ta thường nghe địa-linh cảnh-thắng ảnh hưởng đã đành, nhưng nếu không có ân đức dạy vẽ phò trì của Cụ, và nếu con cháu không biết noi theo gia huấn, mà tu thân để tự lập thân, thì núi cứ núi ta cứ ta, địa-linh cảnh thắng kia âu cũng chỉ là của trời đất đấy thôi. Thế là lăng mộ ta từ đời thứ hai và thứ tư để tại đất làng, mỗi năm cứ ngày 03 tháng 12 là ngày lễ chạp. Đời thứ ba, năm và sáu trở xuống để tại Châu-Chữ, mỗi năm đến ngày 3 tháng 3 là Lễ Thanh-Minh. Gần đây lúc Cụ Thận-Chi Công-Thuận (2) và Cụ Á-Hy Công-Nhã còn sức mạnh, anh em thủ-bộ Nguyễn Sâm, Nguyễn-Long là người lãnh ruộng chạp, xin hưởn lại mười ngày, kẻo lúa chưa kịp chín, các Cụ bèn dời lại ngày 13 tháng 3. Từ đó cứ theo ngày ấy.
 Thế là Họ Trần ta lấy Hương-Quán bây giờ là cồn Tiên-Nộn, nhưng đến khi tịch, lại quy thác trên gành Sông Châu. Cồn Tiên là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng núi Chữ là nơi thâu cốt vùi xương. Từ 120 năm nay, giữ lăng, tảo mộ thay ta mà lo sắm, cúng cấp như lo việc công, làng Châu-Chữ đối với nhà ta là cả một mối cảm tình tha thiết nồng đậm không thua chi hương quán của ta, thiệt cũng đáng ghi nhớ cộng tình ấy lắm. Lúc Cụ Tằng-Tổ Công-Kính ta chí sĩ về nhà, lập nhà thờ, tu gia phổ, họ ta như cái cây đang đâm chồi nở hoa, phơi vẻ rườm rà tú mậu, khác hẳn đời xưa, thuở còn ở Tiên-Nộn, đôi phen linh lạc tiêu sơ.
 Cụ sinh năm ông con trai, cố ý lấy ngũ thường mà đặt tên cho năm phòng: NhơnNghĩaLễTríTín, để hằng nhắc nhở con cháu tới đạo làm quân-tử.
 Con trưởng Cụ là Cụ Định-Chi Trần-Bình, sinh năm 1817, xuất thân Cử-Nhân, lúc bấy giờ làm đến bậc Á-Khanh tại Triều, hai ông em: Cụ Thăng-Chi Trần-Tuyển, Cụ Thành-Chi Trần Giảng đều hai khoa Tú-Tài. Làng Tiên-Nộn từ trước đến nay chưa có khoa mục, thuở ấy ba Anh em nhà ta đã đỗ đạt kế nhau thiệt là đã được danh gía với làng và vẻ vang cho họ ta biết là bao nhiêu. Hai Cụ em cũng đã xuất sĩ cả. Hàng cháu nội ngoại cũng khá đông, cả con lẫn cháu đều kết lập vườn nhà ở Vạn-Xuân. Họ Trần ta lúc bấy giờ đã vào thời kỳ toàn thịnh. Công phu của Cụ đã có kết quả tốt đẹp rồi, thời Cụ mất. Cụ mất mà vẫn còn dư vinh: đám Cụ có hai trăm lính Triều tống táng, sông Hương-giang sáu dòng sóng gợn, gò Châu-Chữ rợp bóng cờ bay.

Cụ Định-Chi còn nhờ phúc ấm, làm một bậc năng-thần thạc-vọng, trong triều Tụ-Đức. Cụ từng ngồi Tổng-đốc ba tỉnh, Thượng-Thơ năm Bộ, đã vang danh giá một thời. Nhưng Cụ có tánh cương nghị, nên hoạn đồ của Cụ nhiều độ phù trầm, hãy xem trong tiểu sử thì rõ, đây chỉ lược thuật mà thôi.
 Cụ Thăng-Chi (1822), tính tình khiêm tốn, an bần tri mạng, Cụ làm đến Bát Phẩm Bộ Hình, vừa thọ chung.
 Cụ Thành-Chi (1824), có tánh độc lập, bường sanh cũng nghèo, khi mất đang ngồi Khánh-Hoà Giáo-Thọ. Còn hai Cụ Công-Hoành phòng Trí và Cụ Công-Hanh phòng Tín, đều mất sớm, con cháu cũng không bền vững, nay chẳng còn ai.
 Cụ Định-Chi mất rồi, kinh thành gặp cơn binh hoả, con cháu lúc bấy giờ sinh nghiệp cũng hơi kém sút, khó khăn, đến năm 1884, nhà thờ Họ ở Vạn-Xuân phải bán, việc kỵ giỗ ba phòng phải luân phiên lo sắm. Từ đó con cháu ở Vạn-Xuân cũng lần lượt rút đi hầu hết, kẻ ra Bác, người tùng cống, kẻ về làng chánh quán.
 Hơn hai mươi năm sau (1905), Cụ Thúc-Dự Trần-Thuận, con thứ Cụ Định-Chi, đang ngồi tri-huyện Hưng-Nhơn (Bắc-Kỳ) thấy sự thờ tự tổ tiên như thế không được chỉnh đốn, Cụ bàn cùng các ông anh định cúng một sở nhà thờ Họ thế cái nhà thờ hồi xưa, Cụ nhắn ông Công-Hân (trưởng tộc đời thứ chín) ra nơi lỵ sở, trao cho một số tiền là 1100 đồng bạc, đem về trình Họ, rồi mua một cái nhà làm Từ-Đường.
 Hồi đó Ông Công-Hân đang ở tại làng, theo nghề trưa ruộng, chưa có con, tuổi đã ngoài 40, chí tiến thủ trong danh trường đã khói lạnh, muốn yêm lưu nơi hương quán cho an thường, nên đã nguyện xin làm nhà thờ tại làng cho tiện việc (xem thơ nơi Ông Mặc-Khanh Trần Trọng Tiềm giữ). Cụ Thúc-Dự, Cụ Thận-Chi, Cụ Nột-Trai, Cụ Á-Hy đều biểu đồng ý, y như sở nguyện. Số tiền ấy mua được cái nhà ba căn hai chái, một cái vườn hơn bốn sào, để đặt nhà Thờ, và một mẫu bốn sào ruộng để phụ thêm với hai mẫu bảy sào tự điền Họ có sẵn từ trước.
 Ngoài sự giúp đở anh em, đùm bọc con cháu, Cụ Thúc-Dự đã làm một việc đại nghĩa đối với Tổ-Tiên và với hậu đại. Nên trong bài điếu văn Cụ Á-Hy khóc Cụ Thúc-Dự có câu: "Tưởng nỗi làm nhà thờ, đặt ruộng tế, một tay lo cả họ được nhờ, v.v...
       Áng giữa của Từ Đường - Phòng Nhơn 
Thế là từ ấy, Họ ta lại có cái nhà thờ như trước.
 Hai ông bà Công-Hân đã lãnh chức thủ tự, ba nhánh khỏi phải thay phiên mà coi việc như ngày xưa. ông Công-Hân lo lắng ổn thoả cả.
 Song cái nhà thờ ở nơi ẩm thấp, thiếu công trông nom, đến năm 1928, mối mọt phá hư, đã phải một lần đại tu bổ. Lúc ấy Cụ Thận-Chi và Cụ Á-Hy đã quá vãng. Con cháu trong Họ gom góp kẻ tranh tre, người tiền bạc, tổng cộng thành được một số tiền là 525 đồng bạc, kể lúc ấy số tiền bấy nhiêu cũng khá lớn.
 Công việc tu bổ xong thì ông Công-Hân mất. Con trưởng ông là Công-Đàm tùng sự tỉnh xa, việc thờ tự để lại Bà Công-Hân cùng con thứ là Trọng-Bào coi ngó.
 Ruộng tự điền bốn mẫu một sào, cho thuê mỗi năm không được là bao nhiêu mà việc kỵ lạp thì nhiều, và trong thời gian ấy nhà thờ lại muốn mục nát một lần thứ hai.
 Ông Mặc-Khanh Trần-Trọng-Tiềm xem thấy tình hình như thế, đã lập ý muốn chỉnh đốn sửa sang. Năm 1938, Ông đang tùng sự tại Saigon từng đề nghị vấn-đề cải cách, ông lập chương trình đấu ruộng tế cho lợi giá thuê, thảo điều lệ về việc cúng kỵ v.v. ông lại xin hoán bổ về Huế để cho cận tiện mà chăm lo. Kể nỗi nhiệt tình với việc phụng-sự tổ-tiên, thời ông Mặc-Khanh đã đóng vai tiên phong có công rất lớn. Nhưng tiếc vì anh em đồng hàng, lúc bấy giờ, trong mấy chi phái như ông Công-Điện cùng trước giả đều không có mặt tại kinh-đô để giúp đỡ, ông Mặc-Khanh làm một mình chưa xong thì mắc bịnh cáo hưu ra Thanh-Hoá năm 1941.
 Kế đó ông Công-Điện tậu nhà trên đường Nam-Giao, kề nhà ông Công-Dực, rồi lại mời ông Bá-Cung ở làng (bào đệ của ông Công-Hân) lên ở gần bên.
 Nguyên trước giả mua cái vườn Chiêu-Dương-viên gần sở máy nước, ở đồi Quảng-Tế, từ năm 1936, thỉnh thoảng ông Công-Điện về Huế thăm, thường tỏ ý muốn có một chỗ đất trong lối xóm để ở cho gần nhau.
 Ngày 16 tháng 3 năm Quý-Mùi (tháng năm 1943), ông Công-Điện về coi làm nhà, nhân gặp ngày kỵ Cụ Hiển-Tổ Phòng Nghĩa, anh em cả ba phòng đều có mặt ở Ẩm-Quang thất (Chiêu-Dương viên), ông Bá-Cung và ông Công-Điện đem việc họ ra luận bàn, rồi hẹn gặp nhau lần khác tại nhà ông Bá-Cung để bàn giải cho kỹ.
 Thế cho nên đại biểu cả ba phòng và các chi tại Huế, đã họp luôn hai hôm 21 và 23 tháng 5 năm 1943.
 Đại khái các vấn đề đem ra thảo luận lược kể như sau:
 Nhà thờ bị mối mọt hư nát, nên phải một phen đại tu bổ.
Bà Công-Hân tuổi gìa sức yếu, hai con Công-Đàm và Trọng-Bào mắc công vụ, một người tòng sự phương xa (Nha-Trang), một người có biệt nghiệp, việc Họ, việc thờ khó bề chăm sóc, coi ngó và giữ gìn, xin Họ xét lựa người khác trông nom.
 Mỗi khi có việc khánh tiết ở nhà thờ, bà con con cháu không mấy người hội họp, thiếu vẻ ấm cúng sum vầy, v.v...
 Ngoài các vấn đề đồng nhân trình bày trên đây, trước giả đề nghị thêm một việc quan hệ đến cách thờ tự xưa nay xét chưa được hợp với trình độ bây giờ và tâm lý toàn thể con cháu trong họ. Vấn đề này ông Mặc-Khanh đã đề nghị lần trước, mà vì bất thành thì bị bệnh rồi về hưu ra Thanh.
 Thiết nghĩ đã gọi là nhà thờ họ của công cọng cả họ thời tất phải làm thế nào cho tính cách chung cùng ấy được nguyên vẹn đời đời, bất kỳ thế hệ nào, mỗi người con cháu đối với nhà Thờ đều có cái cảm giác thân cận, khắn khít như nhau, mới có thể sum vầy, hoà hợp, mới chen vai gánh vác việc chung. Đã hay thế sự biến thiên, vạn vật có sanh thời có diệt, nhưng về nhà thờ Họ, nếu anh em con cháu có chí đồng tâm cộng tể, thời ta có thể chắc rằng: bao giờ Trần-Tộc còn nhà thờ, thời tộc nhân họ Trần vẫn còn khắn khít với nhau. Muốn trưởng dưỡng cái tinh thần thân ái, của con cháu của cả ba phòng, giữ gìn mối liên lạc, trong vòng bà con cho được bền chặt, trừ khử cái phân biệt thân sơ đối với nhà thờ, thì trước hết phải xướng lên cái tôn chỉ cộng đồng của nhà thờ họ, phải thờ hết cả những tộc nhân họ Trần quá cố từ xưa của cả ba phòng, rồi sau các vấn đề phụ thuộc khác không khó chi giải quyết.
 Nếu không sửa đổi theo tôn chỉ ấy thời con cháu chúng ta, mỗi phòng, lo việc phụng sự mỗi phòng là việc thiết cận hơn, còn rảnh đâu mà lo việc Họ, trách nào việc chẳng thiếu bề ấm cúng, thiếu vẻ sum vầy v.v...
 Cử tọa Hội-Đồng đều biểu đồng ý theo việc sửa đổi cách thờ tự như đề nghị trên đây.
 Còn các vấn đề kia, sau khi đã cân nhắc lợi hại, tiện nghi, Hội-Đồng quyết nghị:
 Đem nhà thờ lên Nam-Giao, trên miếng đất của trước giả nguyện cúng tại đồi Quảng-Tế, thuộc địa phận làng Dương-Xuân-Thượng.
 Thông cáo cho tất cả anh em con cháu tại Kinh và trong Nam, ngoài Bắc, tường tất cả các việc cải cách sắp làm, và khuyến lệ tấm lòng tán trợ. Nguyện trù việc di-cấu nhà thờ và thay thế những đồ hư nát phỏng hết 3000 đồng bạc, mà tiền đất ruộng của Họ chỉ được phân nửa thôi. Xem hai tờ biên bản hai kỳ Hội-Đồng thì rõ.
 Trong khi chờ đợi tin tức hưởng ứng của bà con, thời ông Công-Điện phải trở lên Dalat.

Ông Mặc-Khanh ở Thanh-Hoá được thông cáo của Họ và thơ riêng của trước giả, vội vàng trả lời hết sức tâm thành.
 Công-Đàm cũng gởi thơ riêng về cho ông Bá-Cung tỏ lòng lạc ứng. (Xem thơ ông Bá-Cung gởi cho ông Công-Điện ngày 21/08/1943).
 Nhưng ngày ... tháng 4, ông Công-Thành ở Hải-Phòng và ông Công-Mậu ở Hanoi, lại có thư về kháng nghị kịch liệt về việc dời nhà thờ lên xóm Nam-Giao. Ông Bá-Cung được thơ ấy lấy làm băng khoăng, khó xử, đem bàn với ông Công-Dực cùng trước-giả và tỏ ý muốn đình bãi việc đã xét định trong kỳ Hội-Đồng.
 Lý lẽ trong cái thư ấy quá ư khiếm khuyết , xét ra có lẽ vì tác giả đã đi vắng lâu ngày, chưa rõ tình đầu đuôi, chưa hiểu nguyên do việc Họ trong này ra sao cả. Vì nghe lầm nên nghĩ hoá sai.
 Lại xét sở dĩ chúng ta muốn chỉnh đốn việc nhà thờ, mục đích là để bồi dưỡng mối tình thân ái giữa anh em con cháu, thế thì ta nên gây lấy cái không khí hoà hợp là hơn, không nên cưỡng bách.
 Nghĩ như vậy, trước giả trả lời cho ông Bá-Cung, về đoạn kết có câu: có lẽ anh Hậu Công Thành chưa rõ duyên cớ vì sao mà phải định dời nhà thờ. Anh Hậu kháng nghị việc ấy nhưng rồi phải xử trí ra sao, anh không đề cập. Xin anh lấy tư cách trưởng tộc và trưởng cả phòng Nhơn hỏi lại ý kiến của các chi cho xác rồi định đoán, kẻo mất vẻ hoà đồng, thành việc chúng ta làm hóa ra hoài công vô ích, còn ý kiến của tôi, tôi đã tỏ bày trong kỳ Hội-Đồng không thể thay đổi.
 Trước giả lại viết thư cho ông Công-Điện ở Dalat, và ông Công-Tiềm ở Thanh, đại ý cũng như trên. Hai ông phúc thư đều lấy làm bất mãn về ý của hai ông Công Thành và Công Mậu.
 Từ ấy, thư đi, từ lại, cái ra Bắc, cái vào Nam, ngót mấy tháng tập hồ sơ việc họ mỗi ngày mỗi thêm giấy má mà công việc chính thì không tiến bộ một tấc nào.
 Tuy vậy mà bà con trong họ xa gần nghe việc di cấu nhà thờ công trình to lớn, ai cũng sẵn lòng chực ký sổ quyên, số tiền mỗi người nguyện cúng, tính sơ qua nghe đã gấp số tiền Hội-Đồng dự đoán. Có kẻ dự cúng cả bạc ngàn. Điều đó đã chứng tỏ rằng: tấm lòng con cháu đối với việc thờ phụng ông bà hết sức là nhiệt thành, và nhất là việc di-cấu từ-đường lên Nam-Giao, không cần phải cổ động, mà đã được đa số hoàn toàn hoan nghênh.
 Ngày ... tháng 11, lại tiếp được thư của ông Công-Thành đại ý nói vì ông nghe lầm và chưa kịp nghiệm kỹ, nên mới có lời ngăn trở, việc di cấu nhà thờ là việc phải, nay đã hiểu rõ nguyên do, xin lạc tùng như các lẽ Bản tộc đã sắp đặt. Ông Công-Mậu cũng có thư tỏ đại ý như lời ông Công-Thành.
 Ngày 14 tháng 9, ông Mặc-Khanh cũng vội vàng tin cho hay rằng ông đã giảng giải rõ ràng công việc Họ cho bà con con cháu bên chi Cụ Thúc-Dự, ai nấy đều hoan hỉ đồng ý không có điều gì dị nghị cả. Xin Họ lo tiến hành công việc đi.
 Vừa kế đó trước giả phụng chỉ đi công cán Dalat, được gặp ông Công-Điện trò chuyện một hôm, khi cáo biệt đinh ninh giao hẹn, ông thế nào cũng thu xếp công việc trên ấy để chóng về Kinh lo việc công tác nhà thờ. Cuối tháng chạp ông đã tạm từ Dalat về nhà mang theo trong hy-vọng những hình ảnh xinh đẹp của cái Từ-Đường tương lai.
 Tết xong ông hăng hái làm việc ngay: cắm giới hạn miếng đất tại đồi Quảng-Tế, mời thầy Địa chọn phương hướng lành, rồi xây lại chặt cây bới gốc, bồi chỗ thấp bớt chỗ cao, rồi đắp nền xây móng. Sau một tháng, miếng đất hoan vu tùng toả kia, đã nghiễm nhiên biến thành một cảnh trí khả quan, khả ái.
 Nhưng với số tiền 3000$ chúng ta dự trù năm ngoái dầu ông Điện có hoạt bát cách nào, tiện tặn thế nào, gói ghém thế nào cũng không làm sao đủ được, vì từ tháng ... năm 1943 đến nay, tuy chưa đầy một năm mà vật giá và nhân công đều lên cao gấp hai cả.
 Mặc dầu quyển sổ cúng của bà con con cháu đã quá số 3000$, tiền ruộng họ, và tiền khẩu phần cho thuê được hơn 1000$ nữa, nhưng tính lại vẫn còn thiếu nhiều. ông Công-Điện bàn với trước giả thế nào cũng phải chiêu tập Hội-Đồng nghị quyết việc bán sở vườn 4 sào của Cụ Thúc-Dự cúng ngày xưa để thêm vào cho đủ. (Xem sổ chi thu các khoản công tác, và xem danh sách các người lạc cúng bao nhiêu, biên chép minh bạch và treo tại nhà thờ Họ).
 Ngày ... tháng hai, lại họp Hội-Đồng tại Chiêu-Dương Viên, hiện diện có ông Bá-Cung, Công-Điện, trước giả, xá đệ là Thanh-Mại và Thanh-Địch, ông Công Dực, Công Bào và Công Mai.
 Sau khi ông Công-Điện lược trình số mục đã làm, phải tốn hết bao nhiêu, thời Hội Đồng xét thấy còn phải cần một số bạc bảy tám trăm đồng nữa mới đủ việc.
 Trước giả nhắc Hội-Đồng rằng sự thiếu đó bấy lâu nay anh em đều biết cả, và cũng đã nhiều phen nghĩ đến việc bán cái vườn dưới làng đi, sở dỉ chưa làm là vì chưa có ý kiến của bà con đông đủ, nay kỳ này nhóm, mục đích là để quyết định điều này thôi. Vã lại cái vườn ấy nếu dời nhà Thờ đi rồi thời là để không, lâu ngày chi khỏi hao hư cây cối.
 Cử toạ đều ý hợp, bán cho người ngoài sợ mang tiếng, nên bán cho con cháu trong họ khỏi mất dấu tích của Ông Bà v.v...
 Công-Bào nguyện mua cái vườn ấy với giá 500$, để giúp cho họ lo việc hương hoả. Hội-Đồng cũng nghĩ nên bán cho Công-Bào là cháu của nhánh trưởng.
 Nhưng ông Bá-Cung lại muốn Họ phải viết thư hỏi ý kiến ông Mặc-Khanh ngoài Thanh và lấy giấy hợp đồng bên chi Cụ Thúc-Dự cho đủ.
 Công-Bào lại trình thêm rằng nếu nhà Thờ đem lên Nam-Giao, thì Bà Công-Hân vì tuổi già và đơn chiếc, không thể theo lên được, còn Công-Đàm và Công-Bào, người mắc công vụ, người có biệt nghiêp cũng không thể coi việc hương khói tại nhà Thờ, và nhờ Họ liệu cách xử trí.
 Ngày 6 và 20 tháng Hai, cùng ngày 25 và 27 tháng Ba, 1944, ông Mặc-Khanh gửi về bốn lá thư thay mặt cho các chi ngoài Thanh và ngoài Bắc uỷ quyền cho Họ tiện nghi làm việc, và bán cái vườn hương-hoả ở làng để lo việc hương hoả cho được sáng rạng hơn.
 Trong mấy cái thư ấy, ông lại cố ý giải nghĩa cho rõ cho những người chưa hiểu về các lý do vì sao mà nhà Thờ sơ lập tại Vạn-Xuân, vì sao mà trung gian để tại Tiên-Nộn, và vì sao phải dời lên Dương-Xuân, nghị luận rất là xứng đáng, minh tích, phân đoán rất cương quyết, nghiêm nghị (Xem các bức thư trong hồ-sơ di cấu Từ-Đường).
 Công việc sửa đất đắp nền đã xong, chúng ta ấn định ngày 12 tháng 2 triệt hạ nhà thờ dưới làng và ngày 20 tháng 2 thượng lương trên đồi Quảng-Tế.
 Ngày 10 ông Công-Điện cùng trước giả mời ông Bá-Cung, Công Dực cùng xá đệ Thanh-Mại, Thanh-Địch và con là Kế-Tạo về làng yết từ đường lần cuối cùng, để cáo với tổ tiên xin phép tạm rước lư nhang từ khi triệt hạ đến khi lạc-thành an-vị.
 Trước-giả thay mặt anh em mời và khuyên Bà Công-Hân nên dọn lên Dương-Xuân khi nhà thờ làm xong, trước được trọn tiếng với Họ với làng, sau nữa Họ khỏi phải khó lòng lựa chọn người khác. Bà Công-Hân khẩn khoảng từ chối y như lời Công-Bào đã trình bày trong kỳ hội-đồng hôm kia. Cách ít hôm sau, vừa gặp ngày kỵ Cụ Tằng-Tổ (Cụ Độn-Chuối), anh em định tạm thiết bàn thờ tại nhà ông Bá-Cung và sắm sanh lễ tại đó.
Tối hôm ấy bà con con cháu hội họp đông đủ, cúng rồi, ăn uống xong, nhân bàn đến việc lựa người thủ tự để coi ngó nhà thờ mới và lo việc kỵ chạp cả năm, ông Công-Dực, trưởng Phòng Lễ được tất cả bà con trong Họ thuận cử sung vào chức việc ấy. Có lập biên bản để lưu chiếu.
 Việc công tác nhà thờ một mình ông Công-Điện chăm nom coi ngó, mà tiến hành rất mau, và kiểu kiến trúc lại được ông gia tâm chế biến để có vẻ trang hoàng và thêm phần chắc chắn. Về việc tài chánh và hạng liệu, ông lại càng mẫn tiệp, thiếu đâu bồi đó, không có của công thời lấy của nhà. Chỉ trong một tháng kể từ ngày thượng lương, cái Trần-Tộc Từ-Đường đã trang nghiêm đứng vững trên đồi cao, khiến khách qua đường phải thầm thì ngó vọi.
 Ôi ! Có đồng tâm mới hiệp lực, Có hiệp lực mới thành công. Đồng tâm hiệp lực khi nào là thành công khi đó. Sung sướng thay cho những người đã đồng tâm hiệp lực làm nên công việc này mà ta có thể gọi là một kiệt tác về tinh thần vậy.
 Nhà Từ-Đường đã cải cấu được kiên cố rồi, việc phụng sự, việc quản lý tộc vụ, việc giao tế trong Họ, việc giáo huấn con em cũng cần phải chỉnh đốn cho có phương pháp, có quy tắc, để ngày sau con cháu nối theo.
 Từ khi khởi xướng vấn đề sửa sang việc Họ, trước giả đã dự thảo một bản điều-lệ gọi là Hiệp-Định Họ Trần, trừ việc thờ cúng ngoại, đại ý còn là để bảo tồn những phong hoá tốt đẹp ngày xưa, lẫn tuân theo những đạo-đức luân-lý tổ tiên thuỳ huấn, để mong chen vai chung sức mà phò trì hổ trợ lẫn nhau trên con đường đời nhiêu khê cao thấp.
 Thế gian thường ngày lập hội, hợp quần, hội tương-tế, hội ái-hữu, hội liên-đoàn v.v..., muốn kết thân những người đông tây nam bắc lại, nay tạo hoá đã dành cho ta một mối liên lạc thiên nhiên: đồng phái hệ, đồng huyết thống, đồng chung vinh nhục với nhau, thời chúng ta còn phải đi kiếm tìm thân ái đâu xa nữa.
 Nhưng đã hợp quần, tất phải có điều lệ, tất phải có trừng giới, mới có trật tự, mới được trị an, nhưng nếu chỉ lấy cảm tình mà sửa trị chắc là chưa đủ.
 Thánh huấn, hiền phong mỗi ngày mỗi xao lãng, đạo quân-tử, nghĩa trượng-phu thường vì những mối vật dục, thuyết tự do mà sa sút suy vi, vấn đề dạy dỗ con cháu trong một gia đình nhỏ còn làm cho phụ huynh lao tâm vô lượng, huống một gia tộc như gia tộc nhà ta, muốn cho hàng thiếu niên biết tam cang ngũ thường, biết giữ gìn danh giáo để cho thành một gia tộc có thuần phong mỹ tục, thiệt dẫu đáng mấy cũng chẳng nài. Trong khi chúng ta lo việc Họ, vấn đề này cũng là một vấn đề quan hệ, cần phải đặc biệt lưu tâm mà hình ảnh cái Trần-Gia-Trang như trong ý tưởng của trước giả ngày sau thiệt hiện ra có được tốt đẹp hoàn toàn cũng do nơi điều kiện này vậy.
 Bản hiệp-định thảo xong đã cùng anh em hội duyệt, phân môn loại điều khoản tổng cộng thành 36 điều.
 Tối hôm 16 tháng 3, 1944, giáp một năm từ ngày hội năm ngoái bàn về việc nhà Thờ, nhơn có bà con đông đủ tại Ẩm-Quang-Thất, ông Công-Điện yêu cầu ấn định chương trình lễ lạc-thành ngày 15, 16, 17 tháng 4 âm lịch, giữa tuần trăng, cho long trọng, cho huy hoàng, cho xứng công phu những người đã cùng tận tuỵ theo việc Họ, bà con đều hoan hỷ tán thành, chị em bên phái phụ nữ mỗi người đều chia lãnh một phần việc. Còn như việc trần thiết, bài trí, mua sắm sinh phẩm, đặt lễ nghi, thiệp mời bà con xa gần, đều một tay ông Công-Điện chủ trương.
 Nhờ cái nhiệt tâm của một phần đông anh em chị em và con cháu, lại nhờ ông Công-Điện đem hết lòng thành kính cẩn hậu, khích lệ thêm, nên lễ lạc thành ba ngày được nghiêm trang chỉnh đốn, rực rỡ vẻ vang, thực từ đời Vạn-Xuân chi hậu chưa từng thấy. 
 Phỏng hai trăm bà con nội ngoại, trừ những người ở xa không về được, vì gặp lúc đường xá giao thông nhiều điều trở ngại, và mấy trăm tân khách cùng viên chức Tiên-Nộn, Châu-Chữ, Dương-Xuân, Bình-An, và lân bang, ai ai cũng đều biểu lộ một nét hoàn toàn hoan hỷ.
 Trong bà con có kẻ trước không tán thành việc di cấu từ đường và việc cải cách thờ tự, nay trông thấy vẻ tôn nghiêm của nhà Thờ, vẻ trang hoàng khi tế lễ, vẻ vinh diệu phản chiếu trên tộc nhơn, cũng đều một niềm hoan hỷ, có kẻ cảm động vui mừng đến nỗi tuôn trào nước mắt vắn dài.
 Xem bài tường thuật của ông Thanh-Mại sau đây *, và năm bức ảnh chụp vị trí nhà thờ, ba án thờ, và các bà con đến dự lễ.
Toàn thể bà con Nội-Ngoại về dự lễ LẠC THÀNH TRẦN TỘC TỪ ĐƯỜNG  năm 1944
 Thế là việc từ-đường được cải cấu, việc thờ phụng được canh tân, việc quy định tộc vụ đều đã được sắp đặt chỉnh đốn, một lần. Những việc quan hệ ấy đã làm cho một vài anh em ta phải hy sinh biết bao tâm lực biết bao phiền phí mới được thành công. Lại nhờ đa số bà con con cháu cũng sẵn lòng hiếu mục, thấy rõ sự ích lợi chung, hết sức tán thành bằng công, bằng của hoặc bằng thế lực tinh thần mới khắc thắng được tất cả những điều trở ngại.
 Thật là một việc đáng kỷ niệm muôn đời.
 Tổ tiên còn linh có chứng giám cho, ắt cũng vui lòng nơi chốn u minh phiếu diếu. Nay ta chỉ nguyện con cháu muôn đời về sau hãy nhớ, hãy tạc dạ ghi xương rằng: giòng Hữu-vi chúng ta là một giòng gia giáo, một giòng thanh thú. Phận sự con cháu cố gắng lập thân, dương danh để vinh hiển cho mình, cho cha mẹ tổ tiên, cho họ hàng quyến thuộc, nếu chẳng may lực bất tòng tâm, thì cũng lạc thiên tri mạng, noi giữ gia phong, đừng làm dơ bẩn đến tên tuổi ông cha, ấy là trọn hiếu, ấy là tròn bổn phận của một xuất đinh của họ Trần ta vậy.
 Ta không dám nói: " Hãy giết mình đi, để cho tiếng quân tử được nguyên vẹn (Quân-tử năng sát thân dĩ thành nhân), nhưng ta nhắn với đời sau hãy đừng quên câu nghiêm huấn của Ông Quản-Tử: " Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ là bốn triên của một nước, bốn triên mục nát, nước phải diệt vong " (Lễ nghĩa liêm sĩ quốc chi tứ duy, tứ duy bất xương, quốc nãi diệt vong). Nước còn như vậy huống nữa là nhà.


Cháu đời thứ chín (Phòng Nghĩa)
  TRẦN THANH ĐẠT
 GIÁO-DỤC-BỘ THƯỢNG-THƯ
CƠ-MẬT-VIỆN ĐẠI-THẦN

Ngày 15 tháng Tư năm Giáp-Thân
Hoàng-hiệu Bảo-Đại thứ 19
tức ngày 07 tháng 5 năm 1944
120 năm sau khi Cụ Tằng-Tổ ta lập nhà thờ tại Vạn-Xuân


---------------------------------------------------------------------------------------------
* Rất tiếc không sao lục được bài tường thuật của Cụ Trần Thanh Mại. (Trần Thị Khanh-Tương)
1- Năm Đinh-Mão 1687, Cụ Trần Công Quý theo Chúa Nguyễn Phúc Trăn định cư tại Phú-Xuân, và nhập tịch làng Tiên-Nộn, tổng Mậu-Tài, huyện Phú-Vang, tỉnh Thừa-Thiên.

2- Cụ Thận-Chi Công-Thoại tức là Cụ Trần Hộ, con trai thứ ba của Cụ Trần Công Bình và bà Nguyễn thị Giao. Đời thứ VIII  (không phải Cụ Công Thuận) 







 


-----¯¯¯-----


Vài nét chính về tiểu sử 
 Cụ TRẦN THANH ĐẠT  

Cụ Trần Thanh Đạt đời thứ IX phòng Nghĩa

 -   Thượng Thư Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Sinh năm 1891 tại Thừa Thiên.
 -   Đỗ bằng Thành Chung, bổ nhiệm làm Thư ký tại Tòa Khâm Sứ Huế, từ năm 1908 cho đến 1919 
 -   Thi đỗ vào trường Luật và Hành Chánh năm 1919. Tốt nghiệp trường này năm 1922 Được thăng chức Thư ký thượng hạng cùng năm.
 -  Thi đỗ vào trường Uyên Bác Đại Học (do chính phủ Nam triều tổ chức) và thi đỗ hạng nhất trường này năm 1925. Chuyển qua làm việc cho chính phủ Nam Triều và giữ chức vụ Tạm Phái ở Bộ Nội Vụ.
 -   Sau đó liên tiếp giữ các chức vụ Tri Phủ Quảng Ninh (Quảng Bình),Tri Phủ Thăng Bình (Quảng Nam).
 -  Được bổ nhiệm Viên Ngoại ở Viện Cơ Mật  từ năm 1929 đến 1930, Quản Đạo ở Đồng Nai Thượng (Đà Lạt) năm 1931, Án Sát Quảng Nam năm 1932.
  -   Bổ nhiệm chức Lãnh Thượng Tá ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục, rồi thăng hàm Tham Tri ở bộ này năm 1937.
  -  Tuần Vũ Bình Thuận từ tháng 2 năm 1940 cho đến tháng 5 năm 1942.
  -  Thượng Thư Bộ Quốc Gia Giáo Dục từ ngày 12 tháng 5, năm 1942.
  -  Nguyễn Triều Quốc Trụ Cơ Mật Đại Thần.

(Trích dịch từ quyển "Souverains et Notabilités d’Indochine", Hanoi, I.D.E.O., năm 1943.)